Mẹ, thơm một cái
Phan_10
Mẹ lo tôi lại trốn ngủ trưa lẻn ra ngoài làm bậy, bèn không ngại vất vả mỗi trưa đều đạp xe đến trường, đón tôi về nhà ăn trưa.
Vào cái tuổi đó, trưa nào cũng bị mẹ lôi về nhà như thế, thực sự rất mất mặt. Với đám chiến hữu vẫn chí chóe thì còn thôi, nhưng trước mặt cô bạn Tiểu Mị mà tôi thích thì vô cùng mất tư cách nam nhi.
Ít nhất phải vài tháng liền, tôi bị áp giải về nhà dưới sự “đồng hành” của mẹ, sau đó ăn cơm trưa trong không khí rất lặng lẽ. Mọi người nghỉ trưa, còn tôi ngồi trong nhà hối hận đã khoe khoang tuyệt kỹ “thần thâu” của mình trước đám bạn khốn kiếp (chứ không phải là hối hận đã đi ăn trộm), mới thành ra bị giam trong nhà vào giờ này, không được ra ngoài đánh nhau.
Nghỉ trưa xong, mẹ gọi người còn lặng lẽ hơn là ba lấy xe máy chở con quay lại trường.
Trong những ngày tháng ảm đạm đó, ba rất hay dùng các ẩn dụ để nói cho tôi biết vì sao con người không được lầm đường lạc lối, chẳng hạn “nhỏ ăn trộm gà, già ăn trộm trâu.” Lúc đó tôi nghĩ, nếu đem “chuyển ngữ” nó thành “nhỏ trộm thánh đấu sĩ, lớn trộm rương đựng thánh tích, trộm chén thánh, trộm kho báu Atlantis”, cũng là loại “câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn” có thể suy ra được. Tưởng tượng mười mấy năm sau mình sẽ trở thành tên trộm sánh ngang với Indiana Jones, tôi thấy rất khoái.
Hoặc như thấy công nhân đang tỉa cành trong công viên Á Ca, ba sẽ nói: “Con nhìn thấy cái cây kia, nếu lúc còn nhỏ không cắt tỉa như thế, lớn lên sẽ mọc rất lộn xộn.” Lúc đó trong đầu tôi nghĩ về thuyết vô dụng và hữu dụng của Lão tử, đại khái là kết cục của cái cây hữu dụng rất thảm, dù bị đốn hạ để làm cái bàn thờ tốt nhất đi chăng nữa, thì cũng không còn là cái cây bừng bừng sức sống. Cũng có nghĩa là, cây vẫn nên mọc lộn xộn, thân cây nghiêng ngả cành lá rối rắm thì hơn, ông thợ mộc nhìn không trúng, thì mới có thể lấy tư thế ung dung tự tại của một cái cây tiếp tục trường tồn cùng trời đất. So với cái bàn thờ được thờ phụng trong miếu trong đền, thì cái cây vô dụng vẫn hạnh phúc hơn chứ.
Cho nên, con người thì... cứ kém cỏi một tí mới tốt, đỡ phải nhỡ không cẩn thận xuất chúng quá, sau cùng lại còn công thành danh toại người người kính trọng, thế là trở thành một người hữu dụng... vậy chẳng phải sẽ xong đời rồi ư?
Thành ra, mãi đến hết năm đầu của trung học cơ sở, căn bệnh “hai ngón” của tôi mới chữa được. Lý do không thể trở thành siêu trộm xuất quỷ nhập thần lẫy lừng thế giới, là vì một câu chuyện lãng mạn khác.
Hai mẹ con vẫn tiếp tục đá chân.
“Mẹ ơi, tuần sau mẹ về nhà, Puma gặp mẹ chắc chắn rất vui mừng. Nó thể nào cũng nghĩ, ôi, cái người ngày ngày cho mình ăn thịt đã về nhà rồi!” Tôi nói.
Mẹ nhắm mắt, cười cười.
Hôm nay bác sĩ Vương định lấy máu tĩnh mạch chỗ ống dẫn nhân tạo kiểm tra xem có viêm nhiễm gì không, hòng tìm ra nguyên nhân mẹ bị sốt hằng ngày.
Bình thường không thể làm như vậy, vì lý do ban đầu đặt ống dẫn nhân tạo là để truyền các loại thuốc, nước, và máu trong quá trình điều trị ung thư. Tĩnh mạch bình thường nếu bị truyền nhiều thứ như vậy có thể không kham nổi, gây viêm loét, nên giải quyết bằng cách đặt ống dẫn nhân tạo, trong cánh tay hoặc trong xương quai xanh.
Ống dẫn nhân tạo rất đắt tiền, sẽ đồng hành với bệnh nhân nửa năm, thỉnh thoảng còn phải dùng các chất chống đông kết để súc rửa, tránh tắc nghẽn. Ngoài ra, nếu ống dẫn nhân tạo bị viêm nhiễm thì rất phiền, vì vậy việc lấy máu hầu như sẽ không tiến hành ở ống dẫn nhân tạo, để đảm bảo “chỉ vào không ra” và bảo vệ thiết bị này.
Nhưng để kiểm tra có phải ống dẫn nhân tạo có vấn đề hay không, dĩ nhiên phải lấy máu ở đó.
Có điều, đã thay ba đội hình trong mơ của y tá, thử liên tục ba lần đều không lấy được giọt máu nào. Phải dùng nước muối sinh lý súc rửa ống dẫn, nhưng cũng không đẩy vào được. Y tá đành đi mời bác sĩ đến xem là vấn đề gì, trong khi tôi đứng bên cạnh gọi điện cho anh cả, bảo anh mau chóng xuất hiện củng cố lòng tin cho mẹ.
Ba tiếng đồng hồ sau, y tá rốt cuộc đẩy kim vào rất mạnh tay, làm ống dẫn nhân tạo màu xanh lam vỡ bung, nước muối sinh lý bắn vọt ra. Vị y tá này đành tuyên bố, ống dẫn nhân tạo cần được lắp mới!
...
không phải là tôi không chấp nhận, dù là rất ngao ngán, dù sao cũng chẳng ai muốn sai lầm. Nhưng sau đó y tá ngồi lại bên giường bệnh, mặt đầy vẻ băn khoăn muốn đùn đẩy trách nhiệm kiểu: “Cái ống dẫn này bị thủng lúc nào nhỉ? Sao trước đây không phát hiện ra?” Tôi chỉ muốn hét thật to vào tai chị ta: “Này, tại vì chị đẩy mạnh đấy! Cái ống này trước khi chị rút kim truyền ra vẫn còn rất tốt!”
Được hưởng thái độ tận tình chu đáo của y tá tầng bảy chuyên chăm sóc bệnh nhân ung thư, giờ gặp y tá tầng chín chuyên “giải quyết” người bệnh lao phổi hạch ai cũng vội vội vàng vàng, động tác thô bạo, thái độ như đánh trận, khiến tôi nghĩ quả thật bệnh lao phổi không nên tùy tiện để mắc phải. Mà công việc của các tầng khác nhau cũng rất khác nhau, hôm qua y tá tầng chín còn phải nhờ sự hướng dẫn của mẹ mới biết cách vệ sinh làm sạch ống dẫn nhân tạo.
Bệnh nhân và người nhà thực sự rất yếu thế, không có người tiêu dùng nào cần đến “hàng hóa” bệnh viện như người bệnh, hơn nữa lại không thể chấp nhận trong quá trình tiêu dùng nếu có gì chê bai, thì người cuối cùng xui xẻo nhất vẫn là mình. Trong lúc y tá đang “băn khoăn” vì sao ống dẫn nhân tạo bị vỡ, mẹ vẫn nhẹ nhàng an ủi y tá, thậm chí còn cảm ơn. Tôi cũng tham gia, luôn mồm sorry.
Y tá hậm hực đi rồi, mẹ mới chảy nước mắt, nói sao mà xui xẻo vậy, chuyện gì cũng bắt mẹ gặp phải.
Anh cả đến nơi, việc đầu tiên là chạy xuống tầng bảy, định xin điều một y tá rất quan tâm mẹ sang giúp đỡ. Nếu phải lấy cái ống dẫn nhân tạo đã vỡ ra khỏi người, thì không thể giao cho đám y tá chưa từng làm việc này thực hiện. Anh cả nói, cô y tá Vương Kim Ngọc trong mắt mẹ chẳng khác gì thiên thần.
Mẹ nằm co ro trên giường, bên ngoài tỏ ra bình tĩnh, thực ra sợ gần chết, và thất vọng vô cùng.
Cầu nguyện.
Buổi tối.
Chương Cơ quả là thần kỳ. không cần đổi ống mới, bác sĩ “sửa” vèo vèo cái ỗng dẫn của mẹ. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Hôm nay là đêm Noel, cũng là ngày thứ mười bốn bà ngoại mất, dân gian gọi là nhị tuần. Thằng út thay mặt mẹ từ Đài Bắc chạy đến Đào Viên tham dự lễ cúng.
“May mà thằng út đi Đào Viên...” Mẹ ngồi trên giường vừa khóc vừa nói.
“Mẹ ơi, con đã nói mà. Mẹ đẻ ba đứa chắc chắn là có lý do. Mỗi đứa đều có thể giúp mẹ vài việc.” Tôi nói.
Mẹ tiếp tục khóc.
Tôi không cản mẹ. Tôi là người duy nhất không biết ngăn cản bất cứ ai rơi nước mắt.
Tôi chỉ nằm sắp người bên cạnh, lặng lẽ nghe mẹ kể chuyện.
Mẹ bắt đầu kể từ rất xưa, khi mẹ còn là một cô bé nhỏ tuổi.
Ba của ông ngoại, tức cụ ngoại, còn là một người hay “đ. mẹ, đ. cha”.
“Ông à, ông không chửi bậy con mới đi bán vịt với ông.” Mẹ nghiêm túc.
Thế là, mới lớp hai, mẹ ngồi sau xe đạp của cố ngoại đi ra chợ bán vịt. Mẹ đội cái nón nhỏ xinh, nép bên cụ ngoại lúc nào cũng hút thuốc, cầu nguyện cho vịt bán thật mau, để đổi vài thứ đồ dùng đem về nhà.
“Cái Tú, ngồi lại gần tí nữa!” Cụ ngoại gọi, tay cầm bát cơm, bảo mẹ ngồi sát bên.
Cụ ngoại rất thương mẹ, vào thời đại đàn ông ăn xong phụ nữ mới được ngồi vào bàn, cụ rất hay cho mẹ hưởng chế độ mà bà ngoại cũng không có: ngồi ăn cùng một đám đàn ông. Miếng thịt ba chỉ ông ăn vào mồm thể nào cũng nhè ra chỗ nạc cho vào bát mẹ.
“Bẩn thật đấy.” Mẹ cười buồn.
Sau đó là chuyện dì Vạn xuất gia, đến ông ngoại trọng nghĩa trọng tình, cuối cùng là bà ngoại của mẹ - qua đời khi đang ăn hồng.
Câu chuyện của mẹ, câu chuyện từ trước khi mẹ có anh em tôi.
Sau đó gặp ba, gặp tình yêu, thế là có câu chuyện thuộc về một gia đình.
Anh cả nói rất đúng.
Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mặt mẹ.
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã dùng cách thức của riêng mình để yêu thương mẹ.
Khóc mệt, thân nhiệt mẹ tăng lên 39 độ, tôi ra phòng hộ lý xin thuốc panadol.
Mẹ ho liên tục, uống thuốc giảm sốt xong, nằm cuộn trên giường, nét mặt khổ sở, cố gắng làm bản thân ra mồ hôi.
“Để bọn con yêu thương mẹ thêm hai mươi lăm năm nữa nhé mẹ ơi.” Tôi nói. “Để mẹ thấy được câu chuyện tuyệt vời của tụi con.”
25/12/2004
4 giờ 30 rồi, mẹ vẫn tiếp tục sốt cao 38,9 độ khiến tôi rất hoang mang.
Mẹ đang ngủ mê, lòng bàn tay nóng rực, tôi đi tìm y tá, nhưng thuốc giảm sốt không được uống liên tục, nên không lấy được viên panadol thứ hai.
Điều duy nhất tôi có thể làm là liên tục đo thân nhiệt, rồi hết lần này đến lần khác hết hồn vớ cột thủy ngân cao ngất không hề sụt giảm, sau đó gọi mẹ dậy uống vài ngụm nước nóng, đi toa lét để hạ nhiệt, sau cùng đành lấy khăn bông lau người cho mẹ.
một đêm An Lành không hề an lành.
Lau người xong, tôi ngồi ở giường phụ, viết Thợ săn mạng sống câu được câu chăng. Vừa liếc sang thấy mẹ dụi giấy vệ sinh lên mắt, lại đang âm thầm khóc.
“Mẹ ơi, mẹ đang giận bản thân đúng không?”
“Ừ.”
“Con cũng thấy buồn. Ngồi bên cạnh cũng thấy căng thẳng thay cho mẹ, mẹ chắc còn căng thẳng hơn.”
“Ừ. Sốt mãi không hạ, chán quá. Sao vậy không biết?”
Giọng mẹ rất ấm ức, lí nhí.
Tôi không kìm nén được nữa, cũng bắt đầu sùi sụt.
“Điền, con đừng khóc nữa, con khóc thế mẹ sẽ khóc òa lên theo mất...” Mẹ lo lắng.
“Hồi trước mỗi lần con ốm mẹ chăm con tốt biết mấy, bây giờ mẹ ốm con chỉ biết nhìn mẹ sốt mãi, con chỉ biết đo nhiệt độ và đưa nước cho mẹ uống, thật là vô dụng...” Tôi khóc òa, nhớ lại chuyện thời thơ ấu.
Đây là lần đầu tiên tôi khóc bên cạnh mẹ, kể từ khi mẹ bị bệnh.
Cảm xúc một khi đã “vỡ bờ”, thì rất khó ngừng lại.
Hơn một tháng nay mẹ ốm, trong đầu tôi đã dồn ứ rất nhiều cảm giác bất lực, những hoang mang vẫn đè nén mãi cuối cùng đã vỡ òa.
“Điền à, đừng khóc nữa.”
“Con thể nào cũng bị anh cả chửi cho...”
“Đừng có nghĩ vậy, mẹ sốt đâu phải lỗi của con. Con cũng không muốn mẹ bị sốt mà!”
“không phải, ý con là, anh cả mà biết con khóc trước mặt mẹ, chắc chắn chửi con chết.”
Thế là hai kẻ mít ướt bèn bảo nhau đừng khóc nữa.
Mẹ tích cực uống nước, đi toa lét, trong khi tôi rốt cuộc đã xin được viên panadol thứ hai nhờ vào “tư cách” sốt cao 39,4 độ. Mẹ uống xong, không bao lâu bắt đầu đổ mồ hôi. Còn tôi phải nhờ vào nước cốt gà và rất nhiều nước nóng để giữ đầu óc tỉnh táo, thỉnh thoảng lại đo thân nhiệt cho mẹ, cuối cùng giúp mẹ chuẩn bị khăn bông ướt lau mình lần thứ hai.
Cuối cùng mẹ đã hạ sốt, lúc 6h sáng.
“Đói bụng rồi nhỉ? Hê hê.”
“Mẹ ăn bánh bao chay là được.”
Nửa tiếng sau, mẹ gặm bánh bao chay nóng hôi hổi, xem ti vi. Tôi cuối cùng cũng thả lỏng toàn thân ngủ thiếp đi.
Chuyện mẹ lo sợ vẫn cứ xảy ra.
“Chúng tôi quyết định lấy ống dẫn của bác ra.” Bác sĩ tuyên bố trong khi tôi còn đang thiêm thiếp.
Cơn sốt liên tục đêm qua khiến cho hai vị bác sĩ quyết định như vậy.
Tôi còn đang ngái ngủ, chưa kịp hiểu ra chuyện gì, vị bác sĩ trẻ tuổi đã dùng một kỹ thuật rất tinh vi từ từ rút cái ống dẫn màu xanh ra, cắt bỏ đoạn cuối cùng, thả vào túi nhựa để nuôi cấy vi khuẩn.
Hy vọng nguyên nhân mẹ sốt hằng ngày đúng là do viêm nhiễm ở ống dẫn nhân tạo. Nếu không, thực sự không biết phải làm sao kiểm tra nữa. Nuôi cấy vi khuẩn mất ba ngày, hy vọng vẫn có thể theo như mong muốn của mẹ: ra viện trước thứ ba tuần sau.
Buổi trưa sau khi mua cơm cho mẹ về, nằm ra giường, tôi bắt đầu suy ngẫm về tình yêu và tình ruột thịt. Hoặc nói chính xác hơn là: “người cùng ta chia sẻ tình yêu, liệu có thể cùng chia sẻ tình ruột thịt hay không?”
Rất yêu một người, phải chăng sẽ nghiễm nhiên yêu cả con mèo người ấy nuôi, hoa cỏ người ấy trồng, cả phê người ấy uống, truyện tranh người ấy đọc..., và những thứ khác nữa? Nếu đúng thế thì tình yêu cứ chồng xếp lên như vậy liệu có còn là tình yêu nữa không?
Nhưng dù có phải hay không, điều đó vẫn là thứ tôi mong muốn.
Ngẫm nghĩ miên man, cơ thể lại tiếp tục thiếp đi trong nhiệt độ khổ sở của phòng điều hòa.
29/12/2004
Từ Đài Bắc về đến Chương Hóa, mẹ đã đổi phòng bệnh, từ tầng chín đổi xuống tầng tám, lần này là phòng đơn cách ly.
Lần đổi phòng này do mẹ chủ động yêu cầu.
Người bệnh cùng phòng trước đó mắc bệnh gan, tạm thời không được sử dụng thuốc chống lao phổi, nên cũng không thể tiếp tục điều trị lao phổi, bệnh viện chỉ còn cách cho ông ta cách ly. Quan trọng hơn nữa là, bệnh nhân này không đeo khẩu trang, bác sĩ khuyên nhủ thế nào cũng không nghe. Mẹ rất sợ chúng tôi sẽ vì thế mà trúng đạn, cũng lo lắng bản thân bị lây nhiễm chéo, bèn viết hai tờ đơn gửi phòng hộ lý và bác sĩ, đề xuất được đổi sang môi trường điều trị thân thiện hơn.
Bác sĩ cũng hiểu, bèn cho chúng tôi chuyển xuống buồng cách ly ở tầng tám, phòng đơn, môi trường được cải thiện vượt bậc.
Buổi tối đến phiên tôi vào chăm mẹ, mang theo hai tấm thiệp của mọi người viết cho mẹ xem, một tấm từ Pháp, chị gái của Thác, tấm kia đến từ đại học Trung Chính ở Gia Nghĩa. Mẹ dặn đi dặn lại, rằng lời viết trong thiệp rất chân thành, tôi phải nhớ cảm ơn sự quan tâm của mọi người cho thật chu đáo.
cô đơn là thứ còn khó chịu đựng hơn cả đau buồn.
Đau buồn mang tính bùng nổ, hủy diệt tức thì, trong khi cô đơn là sự bào mòn đục ruỗng linh hồn trong thời gian dài.
Khi tôi cầm điện thoại lên tay, rất lâu mà không biết phải gọi cho ai, cảm giác trống rỗng của động cơ chạy không tải lại dâng lên trong tim. không tải, không tải, để rồi cặn dầu muội xăng đóng két đầy lồng ngực.
“Bởi vậy, câu chuyện là như thế.”
Tôi nói, mắt nhìn Quả Cầu nhỏ ngồi bên cạnh.
“cô đơn ấy à, vừa phải thôi.” Quả Cầu nhỏ nhắc nhở.
Đúng, vừa phải thôi.
Quả Cầu nhỏ là một cô gái tết tóc đuôi ngựa, trên mặt có những vết tàn nhang nhàn nhạt, mũi be bé, mắt nhỏ nhỏ, mặc áo trắng, quần bò xanh đậm, giày thể thao trắng. Quả Cầu nhỏ nở nụ cười, rất giống hình ảnh cần có của một cô gái mà tôi... chuẩn bị đem lòng yêu.
Từ giờ này trở đi, Quả Cầu nhỏ và tôi sẽ hình bóng không rời.
“Có được không?” Tôi mong đợi.
“Dĩ nhiên không vấn đề mà!” Quả Cầu nhỏ cười cười.
Nếu cô ấy vui, cuối câu sẽ có một chữ “mà” đáng yêu.
Quả Cầu nhỏ mấy tuổi, tôi còn chưa quyết định, nhưng cô nhìn tôi xoa bóp cho mẹ một cách rất hiểu biết, cùng xem Nấc thang lên thiên đường với mẹ tôi.
Cho nên, chắc khoảng... mười bảy tuổi?
“Suy nghĩ này của anh không có khả năng đâu mà.” Quả Cầu nhỏ nhịn cười, lắc lắc đầu.
Tôi đành bỏ cuộc.
Mẹ xem ti vi, tôi mở máy tính viết Thợ săn mạng sống, còn Quả Cầu nhỏ vốn đang chăm chú với các tình tiết tầm thường trên phim, cũng không nén được tò mò xem tôi đang làm gì.
“Anh đang viết truyện.” Tôi ra dấu chữ V, nói về nghề nghiệp và mơ ước của mình.
Quả Cầu nhỏ chăm chú lắng nghe, dẫu có nghe cả trăm lần, cô vẫn giả vờ tỏ ra hào hứng.
thật là đáng yêu quá đi.
“Đùng lao lực quá nhé, nhớ phải đứng dậy đi lại một chút, để mông khỏi đau.” Quả Cầu nhỏ nói, cứ thế kéo luôn tôi đứng dậy.
Tôi đành đứng lên đi vài vòng tượng trưng trong cảm giác ngọt ngào và bất đắc dĩ, dù sao thì phòng bệnh cũng quá chật.
Bàn tay của Quả Cầu nhỏ rất bé, ngón tay thanh mảnh, đặt vào bàn tay tôi vừa vặn thành một sự kết hợp ấm áp nhất.
Mân mê, mân mê. Mượn một câu của chính mình trong Tình yêu, hai hay ba dở, bàn tay của con gái thật là sản phẩm tuyệt vời nhất made by God (Thượng đế sản xuất).
Ngắm nhìn Quả Cầu nhỏ, chợt có cảm giác muốn khóc.
“Đừng nhớ nữa, lần này không thể được nữa rồi.” Quả Cầu nhỏ an ủi rất tâm lý: “Cứ như chị ấy nói, mỗi lần anh không vui là trốn vào trong truyện. Vậy anh hãy trốn vào đi.”
Tôi rất buồn, lại mở máy tính ra, để những con ma cà rồng chạy lui chạy tới khắp Kyoto từ ba trăm năm trước chiếm lĩnh bộ nhớ tạm thời của tôi, tránh lại có tài nguyên dư thừa nhớ về Xù.
Mẹ vẫn liên tục ho, đổ mồ hôi trộm, tôi chỉ biết bất lực dừng gõ bàn phím, ngoài nói mấy câu động viên ra, chẳng biết giúp gì nữa.
Khó khăn lắm mẹ mới ngưng được cơn ho vật vã, rồi ngủ thiếp đi trong tư thế kỳ quặc. Quả Cầu nhỏ và tôi rốt cuộc cũng thở phào nhẹ nhõm.
Tôi nhớ đến Giai Nghi.
Mọi thứ về Giai Nghi đủ để viết trọn một câu chuyện trong sáng và đau buồn về tuổi trẻ mà cả đám chúng tôi cùng sở hữu, vẹn toàn nhưng cũng đầy ắp tiếc nuối.
Tôi yêu Giai Nghi, bắt đầu từ năm thứ hai trung học cơ sở ngô nghê cho đến năm thứ ba đại học vẫn còn ngây ngô, rất cố gắng để yêu Giai Nghi tám năm trời. Nhưng nếu đổi một định nghĩa khác về yêu, thì đến bây giờ tôi vẫn rất yêu Giai Nghi, tròn mười lăm năm rồi, chưa từng gián đoạn; có điều con người Giai Nghi mà tôi yêu vẫn dừng lại ở Giai Nghi trước kia, không thể chuyển đổi về thời gian không gian hiện tại.
Tôi hiểu, tôi trung thành với tình cảm của mình, chứ không phải với “con người”.
“À, người con gái của lòng anh hồi đó thay đổi rồi, thật ra anh không thể tiếp tục tình cảm của mình, nhưng lại quen lưu giữ tình cảm đó, giống như văn khắc trên bia mộ vậy.” Quả Cầu nhỏ nói.
“Cảm giác yêu sẽ không thay đổi, nhưng người mình yêu thì lại không thể đi tiếp cùng nhau nữa.” Tôi nói, nhưng thật ra không cần phải giải thích.
Tôi phát hiện tuổi của Quả Cầu nhỏ không thể là mười bảy.
Có lẽ lớn hơn một chút?
“Hôm nay anh viết được 3000 chữ thôi, cứ thế này thì không thực hiện được ước mơ đâu.” Quả Cầu nhỏ nhắc tôi, nhưng sự chú ý của tôi đã mất kiểm soát.
Tôi không biết cuối cùng Xù liệu có giống như Giai Nghi, trở thành một chú giải trong quá khứ không.
Những sự tốt đẹp không còn thuộc về tôi, thì chỉ có thể là một tình yêu đã qua, mà không phải là một tình yêu tiếp diễn.
Ban đầu tôi rất hy vọng sau khi chia tay Xù, hai đứa vẫn quan tâm lẫn nhau như ruột thịt, nhưng gắn bó sâu sắc quá, thực ra tôi sẽ phiền lòng với tình cảm mới của Xù, tôi không thể làm như trong tưởng tượng của mình: thật lòng cầu chúc hạnh phúc cho cô ấy.
nói cho cùng, tôi rất không hoàn hảo, thậm chí khiếm khuyết tùm lum.
Những điều cầu chúc của tôi, có lẽ nên đưa từng chút một, gom góp cho hoàn chỉnh hơn.
“Thế nên mới có em, đừng đuổi em đi.” Quả Cầu nhỏ cầu xin.
Tôi khóc.
Gục đầu vào lòng Quả Cầu nhỏ.
31/12/2004
Mặc dù mỗi lần ho đều sặc chảy nước mắt, nhưng tối hôm trước mẹ chỉ sốt nhẹ, không lâu sau thì đổ mồ hôi hạ sốt, không cần uống thuốc giảm sốt.
Hôm qua bác sĩ đánh giá tình hình, quyết định cho mẹ xuất viện vào ngày mai, nhưng về nhà vẫn phải tự cách ly, hẹn hai tuần sau quay lại bệnh viện lấy máu và xét nghiệm đờm. Bác sĩ đã nói vậy, đương nhiên chúng tôi không có ý kiến gì khác. Mẹ chờ ngày này đã quá lâu.
“Tốt quá, mẹ đã được về nhà rồi.” Quả Cầu nhỏ nhảy tưng tưng.
“Ừ, tốt quá đi!” Tôi cười hì hì, lắc lắc đuôi tóc của Quả Cầu nhỏ.
Mẹ rất vui mừng, bắt đầu thu dọn đồ đạc như đứa trẻ hân hoan chuẩn bị ngày mai đi chơi xa.
Tôi ở bên cạnh nhưng chẳng giúp nổi việc gì, chỉ đứng xem mẹ đang thi triển phép thuật.
Mẹ dọn dẹp sắp xếp đồ đạc cũng có một triết lý riêng về ngăn nắp trật tự. Nếu là tôi soạn đồ, chắc chắn sẽ lỉnh kỉnh túi nhỏ túi to, nhưng mẹ lại có thể chia nhóm phân loại, đóng gói đồ đạc bằng số túi tối thiểu.
Trưa hôm qua tiệm thuốc tạm nghỉ, ba lái xe chở phần lớn đồ đạc đi, còn anh cả đang giám sát thi công nhà mới, các nhóm thợ lắp điều hòa, thiết bị gia dụng và đồ nội thất kéo đến cùng ngày, bận tối mắt tối mũi, nhưng rõ ràng vẫn không kịp để mẹ xuất viện có ngay nhà mới sạch sẽ để tĩnh dưỡng.
thật đáng tiếc, chúng tôi dự kiến ít nhất phải hai tuần nữa mới thu xếp ổn thỏa nhà mới. Đến lúc đó chắc mẹ đã lại phải vào bệnh viện làm hóa trị liệu đợt hai.
Đêm khuya hôm qua, ba chở tôi đến Đào Viên, hẹn cả thằng út ở đó dể tham gia lễ cúng bà ngoại. Hôm đó nghe nói là ngày lạnh nhất mùa đông năm nay, lại mưa suốt ngày, tôi không mặc áo khoác, phải liên tục vận nội lực chống rét, kết quả vẫn bị lạnh tê tái.
Lễ cúng bà ngoại không có mẹ, trận mưa lạnh buốt ấy như muốn nói điều gì.
Tối hôm nay, cuối cùng mẹ đã trở về căn nhà quen thuộc, vào ngày cuối cùng của năm 2004.
Nếu đây là một tiểu thuyết, tôi sẽ viết rằng: “Mong sao tất cả tai họa và đau buồn đều dừng lại ở năm 2004.”
Đáng tiếc đây lại là đời thực.
Tôi chỉ biết trong năm mới đến, phải biết trân trọng từng ngày, và hết sức cố gắng.
Nhưng có những thứ muốn trân trọng cũng chẳng còn cơ hội. Tôi đã không chờ được cú điện thoại đếm ngược của Chó Xù. Khoảnh khắc bắt đầu năm mới của cô ấy trôi qua, đã không còn thuộc về tôi.
23/2/2005
Bây giờ là ngày 23 tháng 2 năm 2005, cách ghi chép gần nhất về đồng hành cùng mẹ đã năm mươi tư ngày.
Cách năm mươi tư ngày không ghi chép, mẹ giờ đang nằm bên cạnh tôi, tiến hành đợt hóa trị liệu lần thứ ba.
Khoảng thời gian ngắt quãng đó đương nhiên xảy ra rất nhiều việc, tôi thử chọn một số chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất để dốc lòng.
Mẹ rất băn khoăn, lần đầu hóa trị liệu đã nằm viện bốn chục ngày, quá nhiều. Lâu đến mức không thể xóa tan nỗi sợ hãi đằng đẵng bất tận, ngày nào cũng sốt lên sốt xuống, phát hiện vi khuẩn lao, ống dẫn nhân tạo vỡ bung phải tháo bỏ, bao nhiêu là khó khăn tai nạn ngăn cản mẹ bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện Chương Cơ. Sau đó bà ngoại lại mất vào đúng thời gian này, khiến cho mẹ bị giam trong phòng bệnh càng cảm thấy bất lực.
Sau khi về nhà, mẹ bắt đầu thấy giận hai tuần nằm thêm trong bệnh viện. Viết thư cho cậu út và mợ cả, mẹ liên tục nhắc chuyện này, khi cậu cả và dì năm đến Chương Hóa thăm, mẹ cũng kiên định cho rằng, trong đợt nằm viện làm hóa trị lần thứ hai, bệnh viện phải “trả lại công bằng” cho mẹ.
Quả là rất đáng yêu.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian